Địa danh du lịch Sóc Trăng

Sóc Trăng: Du Lich Viet Nam mang đến cho bạn cái nhìn tổng thể địa danh du lich Mien Tay với các điểm đến được khách du lich quan tâm nhất

Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long thuộc Việt Nam, nằm ở bờ phải sông Hậu miền Nam Việt Nam, nằm trên trục giao thông nối liền Cà Mau, Bạc Liêu với Thành phố Hồ Chí Minh, cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km.
Tỉnh Sóc Trăng có phần đất liền nằm từ 9°14'-9°56' vĩ độ bắc và 105°34'-106°18' kinh độ đông, phía bắc và tây bắc giáp Hậu Giang, phía nam và tây nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía đông bắc giáp Vĩnh Long và Trà Vinh, phía đông và đông nam giáp biển 72 km.
Tỉnh lỵ của Sóc Trăng hiện nay là thành phố Sóc Trăng, cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km.
Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ", "cõi", Kh'leang là "kho", "vựa", "chỗ chứa bạc". Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó thành Sóc Trăng. Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng bị đổi là Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi bị đổi thành Nguyệt Giang).
Đại Nam nhất thống chí viết về sông Ba Xuyên thuộc địa bàn tỉnh An Giang nhà Nguyễn như sau: "... Sông Ba Xuyên ở phía Nam hạ lưu sông Hậu Giang, cách huyện Vĩnh Định 8 dặm về phía Bắc, trước là sông Ba Thắc, rộng 15 trượng sâu 8 thước, đi về phía Nam 15 dặm, đổ ra cửa biển Ba Xuyên, đi về phía Tây 60 dặm đến trường Tàu, tức là chỗ tàu biển đỗ. Ở đây người Trung Quốc và người Cao Miên ở lẫn lộn, chợ phố liên tiếp, lại 65 dặm đến ngã ba sông Nguyệt, tục gọi là Sóc Trăng, ... Năm Kỷ Dậu (1789) hồi đầu thời trung hưng đặt bảo Trấn Di ở phía Bắc sông Ba Thắc, tức sông này."
Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán nhà Nguyễn thì, đất Sóc Trăng xưa thuộc đất Ba Thắc (Bassac), thuộc Chân Lạp. Trước khi chính quyền chúa Nguyễn chính thức tiếp quản vùng đất này, năm 1739, từ Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ khai thác tiến về phía sông Hậu, lập thêm bốn đạo Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang, Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Sóc Trăng). Trong đó, Trấn Di thuộc đất Ba Thắc và năm 1778, phủ Ba Thắc thuộc quyền quản hạt của dinh Long Hồ.
Tháng 10, mùa đông năm Kỷ Hợi (1779), chúa Nguyễn Ánh cho họa đồ chia cắt địa giới 3 dinh Trấn Biên (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định) và Long Hồ (sau gồm Vĩnh Long - An Giang) cho liền lạc nhau. Hai vùng Srok Khl’eang và Préah Trapeang nằm trong dinh Long Hồ. Dinh này ban đầu đặt lỵ sở ở Cái Bè (thôn An Bình Đông, Cái Bè ngày nay), sau dời qua ấp Long An, thôn Long Hồ. Sau đó lại dời đến bãi Bà Lúa (trên cù lao Hoàng Trấn), đổi tên thành dinh Hoằng Trấn. Năm Canh Tý (1780), chúa Nguyễn lo ngại ở đây có nhiều người Khmer, nếu có biến thì bãi Bà Lúa quá xa không ứng phó kịp, nên đổi thành dinh Vĩnh Trấn, và dời trị sở về thôn Long Hồ (TP. Vĩnh Long ngày nay).
Đại Nam nhất thống chí viết rằng: Đất Ba Thắc (sau là phủ Ba Xuyên tỉnh An Giang) nguyên là đất Cao Miên, đến đầu thời trung hưng cơ nghiệp chúa Nguyễn của Nguyễn Ánh (tức là khoảng sau năm 1788, sau khi lấy lại được vùng đất Nam Hà (Miền Nam Việt Nam) từ tay nhà Tây Sơn), Nguyễn Ánh lập đất đó thành phủ An Biên và cho người Man (người Cao Miên) lập đồn điền ở đây. Đến năm Nhâm Tý (1792) Nặc Ấn (Ang Eng tức Narayanaraja III (1779-1796)) từ Xiêm La trở về Cao Miên. Nguyễn Ánh cắt đất Ba Thắc trả về cho Nặc Ấn. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), quan phiên (người Cao Miên) là Trà Long xin đặt quan cai trị, Minh Mạng liền đổi tên phủ là Ba Xuyên và cho đặt chức an phủ sứ để quản phủ này. (Phủ An Biên (có lẽ thuộc dinh Vĩnh Trấn) này có lẽ là khác với phủ An Biên của Hà Tiên (tỉnh) nhà Nguyễn chỉ mới đặt ra vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826)[4].) Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu viết: "....Con Tôn là Ấn thay lên làm vua, nước Trà Và đến xâm lược, Ấn chạy sang nước Xiêm ở bên ấy. Sai Chiêu Trùy Biện giữ nước. Đến lúc Ấn về lập tức sai sứ đem phương vật sang cống ta. Vua cho đất Ba Thắc (năm Minh Mệnh thứ 16 lại đặt chỗ này làm phủ Ba Xuyên)...". Như vậy, đất Ba Thắc của Cao Miên, bắt đầu thuộc chúa Nguyễn (do Nặc Ong Nhuận (Ang Tong tức vua Ramathipadi II), (khoảng năm 1756-1757) dâng cho chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với đất Trà Vinh) giai đoạn 1757-1792; rồi lại về Cao Miên giai đoạn 1792-1835; đến sau đó lại thuộc Việt Nam (thuộc tỉnh An Giang nhà Nguyễn).
Đến năm Gia Long thứ 7 (1808), dinh Vĩnh Trấn đổi thành trấn Vĩnh Thanh, đất Nam Hà thuộc nhà Nguyễn được lập thành 5 trấn là: (Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên). Trấn Vĩnh Thanh (tức Vĩnh Trấn) gồm 1 phủ (trước là châu) là Định Viễn và 3 huyện là Vĩnh An (trước là tổng Bình An), Vĩnh Bình (trước là tổng Bình Dương), Tân An. Hai vùng Srok Khl’eang và Préah Trapeang nằm trong huyện Vĩnh Bình[cần dẫn nguồn]. Năm 1820, trấn Vĩnh Thanh có 1 phủ (Định Viễn) là 4 huyện Vĩnh Bình, Vĩnh An, Vĩnh Định và Tân An. Srok Treang thuộc huyện Vĩnh Định[cần dẫn nguồn]. Năm Minh Mạng thứ 13 Nhâm Thìn (1832), trong cuộc cải cách hành chính lớn nhất thời nhà Nguyễn độc lập, Minh Mạng chia 5 trấn Nam Kỳ thành 6 tỉnh, riêng trấn Vĩnh Thanh được chia thành 2 tỉnh: Vĩnh Long và An Giang.
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà Nguyễn thành lập phủ Ba Xuyên cho thuộc vào tỉnh An Giang (tỉnh An Giang nhà Nguyễn), từ đất Ba Thắc cũ. Đất Ba Thắc cũ chia thành 2 huyện Phong Nhiêu và Phong Thịnh. Đồng thời nhập thêm huyện Vĩnh Định của tỉnh Vĩnh Long vào phủ Ba Xuyên, khiến phủ Ba Xuyên có 3 huyện là Phong Nhiêu (Bãi Xàu), Phong Thạnh (Nhu Gia) và Vĩnh Định (Ba Xuyên)[cần dẫn nguồn].
Thời Pháp thuộc, Pháp bãi bỏ Lục tỉnh, chia Nam kỳ ra làm 4 khu vục với 19 hạt (arrondissement). Sóc Trăng được thành lập và trở thành một trong 19 hạt của Nam Kỳ bấy giờ. Tuy nhiên không lâu sau thì chính quyền Pháp tái lập tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng trở thành một phần của tỉnh Bạc Liêu. Đến năm 1953, tỉnh Sóc Trăng được thành lập trên cơ sở gồm 5 quận Sóc Trăng, Kế Sách, Long Phú, Lịch Hội Thượng và Thạnh Trị.
Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sát nhập Bạc Liêu và Sóc Trăng, lập thành tỉnh Ba Xuyên, còn tỉnh lỵ có tên là Khánh Hưng. Đến năm 1957, tỉnh Ba Xuyên bao gồm 8 quận, 16 tổng, 73 xã:
Quận Châu Thành có 12 xã; quận lị: Mỹ Xuyên. Gồm 2 tổng: Nhiêu Khánh, Nhiêu Hòa.
Quận Thạnh Trị có 12 xã; quận lị: Thạnh Trị. Gồm 3 tổng: Thạnh An, Thạnh Lộc, Thạnh Lợi.
Quận Long Phú có 12 xã; quận lị: Long Phú. Gồm 2 tổng: Định Hòa, Định Mỹ.
Quận Giá Rai có 4 xã; quận lị: Phong Thịnh. Gồm 1 tổng: Long Thủy.
Quận Vĩnh Lợi có 9 xã; quận lị: Vĩnh Lợi. Gồm 2 tổng: Thạnh Hòa, Thạnh Hưng.
Quận Bố Thảo có 8 xã; quận lị: Thuận Hòa rồi chuyển sang Thuận Phú. Gồm 2 tổng: Thuận Phú, Thuận Mỹ.
Quận Lịch Hội Thượng có 8 xã; quận lị: Lịch Hội Thượng. Gồm 2 tổng: Định Chí, Định Phước.
Quận Phước Long có 8 xã; quận lị: Phước Long. Gồm 2 tổng: Thanh Bình, Thanh Yên.
Năm 1958: sắp xếp lại còn 7 quận, 14 tổng, 68 xã: quận Châu Thành đổi thành Mỹ Xuyên, quận Bố Thảo đổi thành Thuận Hòa, bỏ quận Lịch Hội Thượng, quận Thạnh Trị bỏ tổng Thạnh Lợi, quận Long Phú có thêm tổng Định Phước.
Năm 1964, chính quyền VIệt Nam Cộng hòa tách một phần tỉnh Ba Xuyên để tái lập tỉnh Bạc Liêu. Năm 1968, chuyển quận Kế Sách từ tỉnh Phong Dinh sang tỉnh Ba Xuyên.
Tháng 2 năm 1976, tỉnh Ba Xuyên và tỉnh Phong Dinh hợp nhất thành tỉnh Hậu Giang.
Từ 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Sóc Trăng được tái lập từ tỉnh Hậu Giang.

top
Free Web Hosting